Danh Mục
Nguyên nhân trẻ biếng ăn?
Bé kén ăn, biếng ăn nghĩa là từ chối đồ ăn và không chịu ăn những món mới lâu ngày.Lúc này, không khí bàn ăn của nhiều gia đình căng thẳng hơn vì bé đang trở nên độc lập hơn. Con giành quyền quyết định nhiều hơn về việc ăn uống của bản thân.
Kén ăn cũng là một trong những cách mà bé dùng để thể hiện sự độc lập của mình đó mẹ. Tuy nhiên, trẻ em biếng ăn, không chịu ăn khiến ba mẹ rất lo lắng vì sợ con không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng.
Bé từ chối đồ ăn để thể hiện sự độc lập của bản thân
Trẻ kén ăn phải làm sao? Cách trị trẻ biếng ăn tại nhà
Đối mặt với tình trạng kén ăn ở trẻ, không ba mẹ nào có thể ngồi yên và chờ đợi đến ngày con tự ăn ngoan. Tuy nhiên, phản ứng tiêu cực như ép ăn, không những không giúp con ăn nhiều hơn mà còn khiến không khí thêm căng thẳng. Do đó, ba mẹ hãy cố gắng bình tĩnh, chấp nhận đặc điểm phát triển này của con mẹ nhé!
Nếu trong bàn ăn sẽ có từ hai món trở lên, và dù bé có từ chối ăn một món nào đó thì vẫn có thể nạp đủ năng lượng từ những món còn lại. Dạ dày của con vẫn còn nhỏ nên không thể chứa nhiều thức ăn cùng một lúc. Do đó, nếu con không muốn ăn nữa thì mẹ không cần ép buộc.
Ngoài ra, mẹ cũng đừng quá khắt khe về lượng thức ăn mà con ăn được trong mỗi bữa hoặc mỗi ngày. Hãy quan tâm nhiều hơn đến việc con đã nạp đủ chất dinh dưỡng trong một tuần hay chưa.
Hầu hết trẻ nhỏ đều trải qua giai đoạn chỉ ăn một số món nhất định và “lắc đầu” với những món khác. Có nhiều bé không chịu ăn rau nhưng lại rất hào hứng với món trứng bác. Một phần nguyên nhân đến từ hội chứng sợ đồ ăn mới (neophobia). Đây là hội chứng hoàn toàn bình thường, xảy ra với các bé trong khoảng 2 tuổi và sẽ không kéo dài quá lâu.
Bé có xu hướng chỉ ăn những món quen thuộc và cần thêm thời gian để kiểm nghiệm độ an toàn của những món mới. Vậy bé không chịu ăn phải làm sao? Phải làm gì để đối phó với “những cái lắc đầu” của bé không? Dưới đây là 6 bí quyết đối phó khi bé không chịu ăn:
6 bí quyết đối phó khi bé không chịu ăn
1. Cho bé ăn cùng cả nhà
Ăn cùng ba mẹ giúp trẻ biếng ăn cảm thấy an toàn, gắn kết và “dũng cảm” hơn khi quyết định thử món mới. Do đó, ba mẹ hãy cố gắng sắp xếp thời gian để cả nhà quây quần bên mâm cơm. Khả năng nhai của bé 2 tuổi đã tốt hơn nên mẹ cũng sẽ đỡ đau đầu hơn khi lên thực đơn cho bé.
Bé có thể ăn những món giống với của ba mẹ, miễn là những món đó không nêm nhiều gia vị vì chức năng lọc của thận vẫn còn yếu.
Ba mẹ hãy cố gắng dành thời gian để ăn cùng bé nha!
2 Luôn giữ thái độ tích cực
Hãy cho bé biết món mẹ đang ăn ngon như thế nào và mẹ yêu thích món đó ra sao. Từ những trải nghiệm tích cực của mẹ, bé cũng sẽ tin tưởng và yên tâm hơn để thưởng thức hương vị của những món ăn mới.
Nếu bé ăn ngon miệng hoặc tích cực ăn thử những món mới, mẹ đừng ngần ngại dành cho con những lời khen. Điều này khiến bé cảm thấy cố gắng của mình được công nhận và sẽ tiếp tục phát huy vào những lần sau. Ngược lại, nếu mẹ chỉ để ý và tỏ thái độ thất vọng khi con không chịu ăn thì bé sẽ thấy hơi bất công và sẽ tiếp tục từ chối đồ ăn để thu hút sự chú ý của mẹ.
Bữa ăn của con chỉ nên kéo dài từ 20 đến 30 phút. Sau khoảng thời gian này, nếu bé không chịu ăn nữa thì mẹ hãy cất thức ăn đi và khuyến khích con ăn vào bữa kế tiếp.
3. Tạo không khí vui vẻ và thoải mái trong bữa ăn
Không gian và không khí bữa ăn cũng góp phần quyết định lượng thức ăn bé ăn được trong bữa. Ở không gian yên tĩnh, không có tác động của đồ chơi hay các thiết bị điện tử, bé sẽ tập trung hơn vào bàn ăn và những món ăn.
Trong giờ ăn, mẹ hãy tắt tivi và cất hết đồ chơi để con chỉ tập trung ăn. Trẻ vốn dĩ rất dễ bị sao nhãng bởi các yếu tố xung quanh và sẽ không thể ngồi yên trên ghế nếu nghe thấy tiếng nhạc của bộ phim hoạt hình hay nhìn thấy khối rubic dưới sàn.
Thêm vào đó, nếu được ngồi ăn chung với ba mẹ và bạn bè, tinh thần “ăn theo” của bé cũng sẽ tăng lên. Mâm cơm gia đình sẽ trở nên vui vẻ hơn với tiếng nói cười và trò chuyện. Ba mẹ hãy ăn những món giống với của con, nói chuyện với tốc độ vừa phải để bé kịp “bắt sóng” và cùng tham gia cuộc hội thoại. Đây là một trong những giải pháp cho trẻ biếng ăn mang đến hiệu quả cao.
Bé sẽ ăn tích cực hơn khi ngồi cạnh bạn bè
4. Cố định giờ ăn
Lịch trình ăn uống trong ngày của bé kén ăn, biếng ăn cần phù hợp với giờ ngủ vào ban ngày. Mỗi ngày, mẹ cần đảm bảo cho bé ăn 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ để hấp thụ đủ chất dinh dưỡng.
Nếu lịch trình ăn ngủ không phù hợp thì sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi và khiến em bé lười ăn hơn. Lúc đó, mẹ chỉ cần cho bé ăn nhẹ và uống nước rồi đi ngủ. Sau khi ngủ dậy, nếu bé kêu đói thì mẹ hãy cho ăn bù bữa chính.
Ngoài ba mẹ thì những người tiếp xúc và cho bé ăn như ông bà, nhân viên nhà trẻ, người trông trẻ cũng cần nắm rõ đặc điểm và thói quen ăn uống của bé để thời gian biểu sinh hoạt của bé có tính cố định.
5. Tạo hứng thú cho bé trong giờ ăn
Trong bữa ăn, mẹ nên nấu cả món mặn và món ngọt để con ăn đa dạng các nguồn thực phẩm. Những món tráng miệng bổ dưỡng như trái cây tươi sẽ giúp bé thêm hào hứng. Tuy nhiên, mẹ tuyệt đối không lấy món ngọt để làm động lực hay phần thưởng khi con ăn món mặn. Đây không phải là giải pháp tối ưu khi em bé không chịu ăn các món chính và sẽ khiến bé hình thành thói quen ăn đồ ngọt.
Trong mỗi bữa, mẹ chỉ nên bày một lượng thức ăn nhỏ trên đĩa của con và lấy tiếp nếu con muốn ăn thêm.
Nếu thời tiết đẹp, ba mẹ có thể cho bé đi cắm trại ngoài trời để thay đổi không khí. Không gian mới cùng cảnh vật thú vị xung quanh có thể sẽ giúp bé kén ăn thoải mái hơn
6. Tích cực cho bé tham gia các hoạt động
Để giúp bé hình thành suy nghĩ tích cực hơn về ăn uống, mẹ hãy cho bé đi siêu thị và nhờ bé tìm giúp những thực phẩm mẹ cần mua. Ở nhà, mẹ hãy nhờ bé sắp xếp bàn ăn và giúp mẹ nấu ăn. Bé sẽ cảm thấy bản thân thật có ích khi được vào bếp cùng mẹ và giúp mẹ chuẩn bị đồ ăn. Hãy để bé giúp mẹ chế biến những món ăn mới, biết đâu bé sẽ tự tay xúc thức ăn và ăn một cách ngon miệng thì sao mẹ nhỉ!?
Bé cùng mẹ vào bếp để chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà
Cách nhận biết bé đã ăn no
Việc ép ăn khi con đã no gây ra những phản ứng tiêu cực và khiến con có cảm nhận không tốt về giờ ăn hay một món ăn nào đó. Nhưng, làm thế nào để mẹ biết được con đã ăn no hay chưa? Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết:
- Bé không chịu há miệng khi ăn
- Nói “không” hoặc quay đầu đi khi mẹ đút thức ăn
- Đẩy thìa, bát hoặc đĩa thức ăn ra xa
- Không chịu nhai hoặc nhổ thức ăn
- Trèo xuống ghế hoặc trèo ra ngoài
- Khóc lóc, la hét
- Nôn ọe
Nếu bé có những dấu hiệu trên, mẹ hãy cất thức ăn đi dù con chưa ăn được nhiều. Nếu đói, bé sẽ ăn nhiều hơn vào bữa phụ hoặc bữa chính tiếp theo.
7 lưu ý khi đối phó với trẻ kén ăn, trẻ biếng ăn
Cho con ăn là một thử thách không hề dễ dàng với nhiều ba mẹ. Mục đích cuối cùng không phải là cho thức ăn vào miệng con bằng bất cứ giá nào mà là con chủ động ăn với tinh thần vui vẻ. Nghe thật khó khăn phải không ba mẹ? Bất kỳ khó khăn nào cũng có thể được tháo gỡ nếu mẹ có những bí quyết cho riêng mình. Hãy cùng tìm hiểu những gợi ý dưới đây để đối phó khi em bé lười ăn nhé!
1. Không dỗ ngọt, nài nỉ hay hối lộ con
Những lời động viên nhẹ nhàng là tốt nhưng nài nỉ hay dỗ ngọt lại mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Nếu bé không chịu ăn thì mẹ không cần phải ép con há miệng để ăn nữa. Ép ăn khiến bé bị ám ảnh với đồ ăn hoặc ăn nhiều hơn nhu cầu của cơ thể.
Ép ăn khiến bé bị áp lực và càng kén ăn hơn
2. Giới hạn món ăn và không cho bé ăn món thay thế
Trẻ sẽ được đà nếu mỗi lần không chịu ăn món mới đều được mẹ cho ăn món yêu thích. Về lâu dài, mẹ nên cho con ăn các món giống với của cả nhà và chấp nhận rằng con sẽ thích vài món nào đó mà không thích những món còn lại. Bữa ăn của con nên có ít nhất một món yêu thích và kèm theo đó là những món mới để đa dạng hóa thực đơn ăn uống.
3. Món tráng miệng không phải là phần thưởng
Trong tình huống căng thẳng vì bé kén ăn, mẹ có từng nghĩ đến giải pháp thưởng món ngọt để con ăn các món mặn không? Chắc hẳn là nhiều mẹ đã từng nghĩ đến rồi. Trên thực tế, hình thức khen thưởng này sẽ khiến con thích ăn món ngọt hơn là món mặn, từ đó hình thành thói quen ăn uống không lành mạnh.
4. Cho con uống đủ chất lỏng
Trẻ biếng ăn, kén ăn uống gì? Sữa tươi và nước lọc là những đồ uống mẹ nên bổ sung vào thực đơn của bé. Bé cần uống đủ 500ml sữa tươi mỗi ngày để đảm bảo chất dinh dưỡng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên mẹ nên tiếp tục cho con bú đến khi được 2 tuổi. Tuy nhiên, mẹ hoàn toàn cho bé uống thêm sữa bò nguyên kem.
Sữa tươi cung cấp dinh dưỡng cho bé
Bé kén ăn, biếng ăn không cần thiết phải uống sữa công thức vì nó không mang đến nhiều lợi ích đặc biệt cho sức khỏe và sự tăng trưởng của trẻ, đặc biệt là khi bé không hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng từ thực phẩm.
Mẹ không nên cho con uống quá nhiều sữa trước giờ ăn, tránh để bé bị no bụng và không ăn được nhiều trong bữa. Nếu con khát thì có thể uống một ít nước lọc.
Bé có thể uống nước ép trái cây, nhưng mẹ cần pha loãng với tỉ lệ 10 nước lọc:1 nước ép để hạn chế tác động tiêu cực của axit lên men răng của con.
Nước ép đóng chai, dù là loại ít đường hay không đường thì đều có nguy cơ dẫn đến sâu răng. Do vậy, mẹ không nên cho bé dùng những loại đồ uống này để đảm bảo sức khỏe cho con.
Khi uống nước lọc, sữa tươi hay nước ép pha loãng, bé nên tập uống bằng cốc thường hoặc cốc có mỏ để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của răng miệng.
5. Sắp xếp bữa phụ và bữa chính hợp lý
Bữa phụ của bé không nên quá sát với bữa chính. Dạ dày của bé cần thời gian để tiêu hóa thức ăn và sẵn sàng cho bữa tiếp theo. Việc ăn các bữa quá sát nhau khiến bé bị no và không thể hấp thụ thêm chất dinh dưỡng từ các món chính.
Nếu trong bữa chính bé không chịu ăn hoặc không ăn được nhiều thì mẹ cũng không nên cho ăn bữa phụ ngay sau đó. Dù lo lắng bé sẽ bị đói nhưng mẹ vẫn cần thực hiện theo đúng lịch trình sinh hoạt.
6. Giữ thái độ bình tĩnh
Khẩu vị của bé sẽ thay đổi theo thời gian. Có thể con đã từng từ chối một món ăn nào đó nhưng biết đâu được con sẽ hứng thú với chính món đó trong thời gian tới. Thông thường, bé phải tiếp xúc với món mới từ 10-15 lần mới chấp nhận và có đủ sự tự tin để nếm thử.
Bé cần thời gian để làm quen và chấp nhận với món mới
Trẻ không chịu ăn, kén ăn có thể là do biếng ăn sinh lý và tình trạng này sẽ nhanh chóng qua đi. Do đó, mẹ cần bình tĩnh, không ép con ăn bằng được món này hay món kia khi con không thực sự muốn.
7. Không quá nghiêm khắc với con
Mẹ đừng quá nghiêm khắc với con và chính bản thân mình khi giờ ăn không diễn ra theo ý muốn. Đôi lúc, hãy gạt bỏ nỗi thất vọng sang một bên và cố gắng không la mắng hay làm con thất vọng về bản thân mình.
Cả hai mẹ con đều đang trong quá trình học tập. Trẻ học cách làm quen với những hương vị và kết cấu của món ăn mới còn mẹ thì tìm ra phương pháp để cải thiện chất lượng giờ ăn cho con. Cả hai đều cần thời gian và sự kiên nhẫn. Trẻ sẽ nhanh chóng vượt qua giai đoạn kén ăn và chế độ ăn uống sẽ trở nên đa dạng hơn.
Vẫn lo lắng vì bé kén ăn?
Nếu mẹ quá lo lắng về những thói quen ăn uống của con, hãy ghi chép lại tất cả những món ăn và đồ uống mà con đã ăn theo từng tuần. Sau đó, kiểm tra xem thực đơn trong tuần có đáp ứng đầy đủ bốn nhóm thực phẩm chính hay không, bao gồm tinh bột, protein, các sản phẩm từ sữa và rau củ, trái cây tươi.
Nếu câu trả lời là có thì mẹ không cần phải quá lo lắng đâu ạ. Để yên tâm hơn, mẹ có thể nghe lời khuyên và nhờ đến sự hỗ trợ từ các bác sĩ. Bé sẽ được kiểm tra chiều cao, cân nặng và chẩn đoán các vấn đề về sức khỏe. Nếu có bất kỳ vấn đề gì, bác sĩ sẽ thông báo và hỗ trợ mẹ trong quá trình điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và các thói quen ăn uống của con.